(TruyenTeenViet.mobie.in) Một ngày thật dài và thật mệt mỏi, tôi chỉ muốn về tới nhà và lăn ra ngủ một giấc thật no nê. Thế mà, khi vừa dắt xe vào cổng, nhìn thấy tôi, bố đã quát tôi. Bố mắng tôi không có sự chuẩn bị, bố mắng tôi thái độ không tốt với bố, bố không ngừng trách cứ, còn tôi thì không ngừng khóc. Tôi thét lên: "Bố có thôi đi không?" rồi bỏ chạy thẳng lên phòng.
***
Tuần cuối cùng của tháng đầu tiên trong thời gian thực tập, các đề tài trình lên đài của tôi đều không được duyệt vì chúng có quá nhiều lỗi. Nỗi buồn không chỉ dừng lại ở đó, game show diễn ra vào cuối tuần trước đó, không thành công. Vì một số lý do kĩ thuật của phòng đạo diễn hình ảnh nhưng cả ekip game show đều bị khiển trách. Trong tâm thế của một buổi ghi hình không được thành công như ý, không tránh khỏi những lúc bản thân tôi vô tình bị Biên tập viên hướng dẫn thực tập "khiển trách oan ức". Tất nhiên, với vị trí của một thực tập sinh tôi phải biết tiếp thu và bình tĩnh mỗi khi bị " khiển trách" vô cớ như vậy. Tôi buộc phải biết im lặng dù chắc chắn sẽ có lúc uất ức.
Hôm qua, theo phân công, tôi phải lên đài từ sớm để lấy băng ghi hình đến công viên Tao Đàn để ghi hình một phóng sự. Nhưng tôi lại quên mất, cứ thế đến thẳng địa điểm ghi hình, đến nơi mới tá hoả ra và dĩ nhiên sau đó là một tràng dài sự mắng mỏ, trách cứ của mọi người, tôi chỉ biết cúi đầu và lắp bắp nói xin lỗi. Trên đường quay lại đài để lấy băng, vì vội vàng, tôi vượt đèn đỏ và không may bị cảnh sát giao thông bắt lại.
Khi kiểm tra giấy tờ tôi mới phát hiện ra mình cũng chẳng mang theo bất kì giấy tờ gì kể cả bằng lái xe. Tôi mếu máo gọi cho bố, nhờ bố qua đài lấy băng và mang lên điểm ghi hình giúp tôi. Sau khi hoàn tất những gì tôi nhờ, bố quay lại nơi tôi đứng để giải quyết nốt mọi thủ tục nộp phạt với anh công an. Xong xuôi, bố quay sang tôi, và dĩ nhiên lại một trận mắng xối xả. Quá ấm ức, tôi bật khóc, và quay lưng dắt xe đi, không nói với bố tiếng nào.
Tôi quay lại công viên nơi mọi người đang ghi hình, gần như công việc gần xong xuôi, mọi người đang hoàn tất những khâu cuối cùng. Tôi lụi cụi thu xếp đạo cụ, dọn dẹp trường quay. Và dĩ nhiên, gặp bất cứ ai, tôi cũng không quên một câu xin lỗi.
Một ngày thật dài và thật mệt mỏi, tôi chỉ muốn về tới nhà và lăn ra ngủ một giấc thật no nê. Thế mà, khi vừa dắt xe vào cổng, nhìn thấy tôi, bố đã quát tôi. Bố mắng tôi không có sự chuẩn bị, bố mắng tôi thái độ không tốt với bố, bố không ngừng trách cứ, còn tôi thì không ngừng khóc. Tôi thét lên: "Bố có thôi đi không?" rồi bỏ chạy thẳng lên phòng.
Tôi đã khóc nhiều quá, tôi khóc không phải vì bố mắng mà vì tự dưng tôi thấy mình bất công với bố quá. Tôi không thể giải thích cho chính mình hiểu tại sao tôi có thể cúi rạp đầu xin lỗi mọi người trong đoàn nhưng lại tiếc một câu xin lỗi với bố? Tại sao tôi sợ phiền lòng mọi người nhưng lại không để ý đến cảm xúc của bố? Tại sao tôi sửa ngay lỗi lầm của mình khi bị chị Biên tập viên nhắc nhở nhưng lại học hằn với sự khiển trách của bố? Tại sao? Tại sao chứ?
Chẳng biết có bao nhiêu người giống tôi, chẳng biết có bao nhiêu người trong số các bạn đọc được tâm sự này đã từng trải qua cảm giác của chính tôi. Nhưng tôi thấy buồn, một nỗi buồn sâu sắc. Phải chăng vì quá thân thiết, vì là máu mủ ruột rà, vì biết bố mẹ sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi con cái nên con cái quên mất câu xin lỗi với bố mẹ. Vì công việc có thể sa thải bạn bất cứ lúc nào, nên bạn phải ngọt nhạt còn bố mẹ thì chẳng bao giờ bỏ rơi bạn nên bạn lạnh lùng. Liệu đến bao giờ, một đứa con như tôi mới có thể nói câu xin lỗi bố mẹ như những gì tôi phải thể hiện ở đài. Và liệu bố tôi ở dưới nhà, có biết tôi đang rất ăn năn, đang rất muốn xin lỗi bố mà không thể. Bố ơi, con muốn học cách xin lỗi bố.